GĐ VĐKMCN Hải Ngoại & Thân hữu Khắp nơi
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ÐỜI CÒN VUI VÌ CÓ CHÚT TÒM TEM

Go down

ÐỜI CÒN VUI VÌ CÓ CHÚT TÒM TEM Empty ÐỜI CÒN VUI VÌ CÓ CHÚT TÒM TEM

Bài gửi  Thu Lan Sat Dec 10, 2011 5:32 am

Không biết hai tiếng tòm tem xuất hiện trong ngôn ngữ Việt từ bao giờ nhưng cái chuyện tòm tem thì quả là xưa không kém gì quả đất. Tuy nhiên dù có xưa cách mấy thì tòm tem vẫn không bao giờ cũ vì loài người còn tồn tại tới ngày hôm nay cũng là nhờ vào tòm tem. Chính vì thế mà thiên hạ vẫn cứ mãi mãi tòm tem và nói về chuyện tòm tem.

Sở dĩ tôi dùng hai tiếng tòm tem này để nói về một chuyện mà ngôn từ dùng để diễn tả lại vô cùng phong phú và thường được thả nổi, ấy là tại vì hai tiếng này vừa có gốc có gác, vừa nôm na dễ hiểu, lại không bị coi là tục để các vị thích rao giảng đạo đức bắt bẻ mà cũng không khô khan như từ ngữ chuyên môn của nhà khoa học. Tôi học được hai chữ này trong bài ca dao sau:

Ðang khi lửa đỏ cơm sôi
Lợn kêu con khóc lại đòi tòm tem
Bây giờ cơm chín lửa tàn
Lợn ăn con ngủ, tòm tem thì tòm


Phải nói là mặc dù mấy câu ca dao này tuy thật là đơn giản nhưng càng đọc tôi càng thấy thấm ý. Con người từ thủa xa xưa cho tới ngày nay, sống trên đời lúc nào cũng cứ tối tăm mặt mũi với hàng trăm thứ chuyện lỉnh kỉnh hằng ngày nhưng xét cho cùng thì chẳng qua cũng chỉ là nhằm đáp ứng cho hai nhu cầu cơ bản là ăn để sống và tòm tem để bảo tồn chủng loại. Có khác chăng là theo đà tiến hóa, con người càng văn minh thì cái ăn và cách ăn cũng trở thành cầu kỳ và cái tòm tem cũng được bày đặt thêm nhiều quy định có tính cách hình thức rắc rối hơn mà thôi.

Tuy cả hai nhu cầu trên đều là cơ bản nhưng nếu sắp theo thứ tự ưu tiên thì cái ăn vẫn là trước tiên rồi mới tới chuyện tòm tem, vì chỉ có "no cơm ấm cật " thì lúc đó mới có thể "rậm rật khắp nơi" chứ bụng mà đói meo thì "chó cũng đành chê cứt". Cái sự ví von này tôi cũng học được trong kho tàng ca dao tục ngữ. Ai không tin cứ giở ca dao tục ngữ ra sẽ gặp khối câu như:

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó ngồi trông trên bờ


Nếu nhu cầu ăn có từ khi lọt lòng thì trái lại nhu cầu tòm tem phải đợi đến một cái tuổi gọi là biết mắc cỡ vì khám phá ra những cái khang khác nơi mình và nơi người mới bắt đầu có. Lại nữa, cái cường độ của nhu cầu này cũng biến thiên tùy theo nguời và tùy theo thời gian: sung độ nhất vào lúc tuổi còn trẻ nhưng càng về già thì yếu lần và có thể không còn nữa. Chính vì thế mà người ta mới hối nhau:

Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng mọc có lứa người ta có thì
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau


Mặc dù trong văn học Việt nam cũng đã có những nhà nho xông xáo cỡ cụ Nguyễn Công Trứ từng vỗ ngực tự hào trong một bài hát nói "càng già càng dẻo càng dai" và trong ca dao cũng có những bài như:

Bà già đã tám mươi tư
Ngồi bên cửa sổ biên thư lấy chồng


Hoặc là:

Bà già đi chợ cầu Ðông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ đoán rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn


Tuy nhiên nếu nghiệm cho kỹ thì chẳng qua các cụ cũng chỉ là tiếc nuối cho một thời oanh liệt đã qua đi mà nói vớt vát cho vui thế thôi chứ thực tế thì các cụ cũng không làm sao xoay ngược lại định luật của tạo hóa.

Ngoài ra, nếu nhu cầu ăn không thể thiếu thì ngược lại nhu cầu tòm tem có thể hy sinh mà không làm cho cá nhân ấy chết, trừ trường hợp nếu như tất cả giống người đều hy sinh cái nhu cầu này thì lúc đó loài người mới bị tuyệt chủng thôi. Về cái khoản này thì Phật có dạy đời là bể khổ và con người phải diệt dục thì mới dứt được nghiệp chướng để tịnh độ Niết Bàn. Tuy vậy, có một số người dù đã quy y đầu Phật thành sư, nhưng lòng thì vọng động, đôi khi còn bạo hơn cả người phàm nên người đời mới gọi các vị này là "sư hổ mang". Còn nếu chỉ nhè nhẹ thôi thì ca dao cũng đã từng mô tả:

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu


Khác với Phật giáo chủ trương diệt dục, người Thiên Chúa giáo lại tin rằng khi Chúa dựng nên người nam và người nữ đầu tiên rồi thì có phán: "Hãy sinh sản ra cho đầy mặt đất này". Tuy nhiên khi loài người đã sinh ra tràn đầy trên mặt đất này rồi thì Hội Thánh mỗi khi muốn tuyển chọn người thay Chúa chăn dắt bầy chiên ở trần gian thì lại đòi hỏi người đó phải hy sinh cái niềm vui tòm tem. Ðiều này gây trở ngại cho một số người vừa muốn làm kẻ chăn chiên của Chúa lại vừa không muốn sống trong cảnh "cám treo heo nhịn đói", do đó mà nảy sinh ra Giáo phái Tin Lành. Các ngài mục sư nhờ hiểu Kinh Thánh một cách cởi mở hơn nên đã giúp cho một số người an tâm vừa làm tôi tớ Chúa, vừa vui thú trần gian mà không hề mang mặc cảm phạm tội. Riêng về phía Giáo hội La Mã vì khắt khe với lề luật mà có những kẻ lúc bắt đầu những mong theo chân Chúa làm đến chức cha, chức cố, nhưng rốt cuộc chỉ mới tới được chức "ta ru", nghĩa là đã vào tu rồi nhưng thấy đời còn vui quá lại nhảy ra.

Mặc dù bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có khẳng định: "Mọi người sinh ra bình đẳng" nhưng thực tế thì Tạo hóa vốn có trước loài người nên hình như không biết có cái luật đó cho nên mới để lọt một số người bị mụ bà nắn thiếu cái "gia tài của mẹ để lại cho con" khiến cho những kẻ này không bao giờ biết được cái niềm vui tòm tem ở cõi đời này. Tuy nhiên vào cái thời đất nước còn được cai trị bởi những ông vua thì cũng có vài anh chàng lại tự nguyện cắt bỏ cái gia tài này để được hầu hạ trong cung hầu kiếm miếng cơm manh áo. Thí dụ như mấy anh chàng muốn xin làm thái giám.

Số là trong xã hội phong kiến ngày xưa, một kẻ làm vua thì tự cho mình có cái quyền tha hồ tòm tem. Do đó mà ông vua nào cũng có trong cung hàng ngàn cung tần mỹ nữ. Tuy nhiều thế và nhiều khi tòm tem không xuể nhưng vì tham lam và ích kỷ nên ông vua nào cũng sợ kẻ khác tòm tem giùm mình do đó mới phải chọn mấy anh chàng thái giám để hầu hạ trong cung cho chắc ăn. Nhiều ông vua cũng vì mê tòm tem đến độ phế bỏ cả triều chính cho nên đành phải mất nước hay mất cả cái chỗ đội vương miện. Có ông thì bệ rạc đến nỗi không còn ngồi dậy nổi để thiết triều đành nằm ườn ra cho đình thần vào chầu như ông vua Long Ðĩnh nhà Lê. Sử gia khi nhắc đến phải đặt cho triều đại này cái biệt danh là Lê ngọa triều.

Cũng vì cái mục ham tòm tem này của kẻ làm vua mà nhiều khi đi đoong luôn cả một dân tộc. Xưa Chiêm thành cũng là một vương quốc lừng lẫy. Vào thời nhà Trần ở nước ta thì có vua Chiêm là Chế Mân bỗng dưng nổi hứng đem dâng luôn hai châu Ô và châu Rí để xin với vua Trần cho được rước công chúa Huyền Trân về tòm tem. Không hiểu có phải vì nàng công chúa xứ Việt tài cao hay vua Chiêm lụ khụ sao đó mà ít lâu sau thì vua Chiêm tịch. Theo phong tục Chiêm thành thì khi vua chết hoàng hậu và phi tần cũng phải tịch theo vua để tiếp tục hầu hạ cho nhà vua cũng được tòm tem nơi chín suối. Nhà Trần tiếc cho tuổi xuân phơi phới của nàng công chúa của mình mà bị đưa lên giàn hỏa với vua Chiêm thì thật là phí hương trời, bèn sai Trần Khắc Chung vào kinh thành Chiêm lén đem công chúa về. Tương truyền sau đó hai người đưa nhau đi đâu làm gì chẳng ai rõ, nhưng dù sao thì cái tên Huyền Trân cũng đi vào lịch sử, còn Chiêm thành thì theo cái đà mất hai châu mà mất lần cho đến mất luôn cả nước và bị diệt vong.

Theo các nhà nghiên cứu về sinh vật học thì trong vấn đề tòm tem, giống cái bao giờ cũng khỏe hơn giống đực. Nguyên lý này hình như cũng đúng cả với con người. Chúng ta chỉ nghe kể ông này ngài nọ đang tòm tem thì bị ngã ngựa rồi đi đoong chứ chẳng bao giờ nghe nói có bà nào lăn quay ra ngáp ngáp trong lúc tòm tem cả. Nghe khoản này có lẽ các ông không đồng ý vì tự hồi nào các ông vẫn tự cho mình là phái khỏe còn đàn bà mới là "liễu yếu đào tơ" phải "núp bóng tùng quân". Tuy nhiên tục ngữ cũng có câu: "con gái mười bảy, bẻ gãy sừng trâu", cho nên nam nhi cỡ mấy anh chàng "trói gà không chặt" mà gặp phải mấy cô này thì cũng coi như là đi đoong, bằng không thì cũng bị cô nàng cắm cho năm bảy cái sừng to tổ bố.

Trở lại với cái chuyện tòm tem ngã ngựa này ở nước ta mà có liên quan đến lịch sử thì phải kể câu chuyện đời Lê. Nguyễn Trãi là một khai quốc công thần từng giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc và lập nên nhà Hậu Lê. Lúc vua Lê Thái tổ quy tiên, vua con lên nối ngôi thì cụ cũng đã già về nghỉ hưu. Tuy thế, có một hôm nghe tiếng cô nàng Thị Lộ rao bán chiếu trước dinh, cụ bỗng hứng chí cho gọi vào ra mắt, và khi thấy cô hàng chiếu trông cũng tươi mát, cụ bèn ứng khẩu mấy vần thơ trêu ghẹo:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi
Ðã có chồng chưa được mấy con?


Cô hàng chiếu cũng chẳng vừa, họa lại ngay:

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, nói chi con!


Nghe cô hàng chiếu ứng đối lanh lẹ, cụ đâm ra mến tài mến sắc nên quyết chí rước nàng về làm nàng hầu. Nếu chuyện chỉ có thế thì cũng chẳng có gì đáng nói. Ðằng này vì cụ đã già nên có lẽ sinh ra lẩm cẩm. Nhân một hôm nhà vua trẻ đi tuần thú qua vùng này bèn ghé lại nhà cụ nghỉ đêm, cụ thương cho cô nàng hầu tuổi xuân phơi phới lâu nay bị bỏ phế mới sai nàng ra hầu hạ nhà vua may ra kiếm được chút ơn mưa móc. Chẳng hiểu ông vua trẻ tòm tem ra sao mà băng ngay đêm đó tại nhà cụ. Thế là triều đình đổ xô vào hạch cụ về cái tội giết vua và cái tước khai quốc công thần của cụ cũng đành vứt đi khiến cho cụ chỉ còn biết cam phận lãnh cái bản án tử đi đoong luôn một lúc cả ba họ.!

...Còn tiếp tập nữa .

ÐOÀN VĂN KHANH
Thu Lan
Thu Lan
74KTGD
74KTGD

Tổng số bài gửi : 193
Join date : 08/06/2011
Đến từ : Germany

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết