Nơi dành cho những ai mất ngủ (3)
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Nơi dành cho những ai mất ngủ (3)
A.J. Cronin
LÒNG NHỚ ƠN LÀ MỘT ĐỨC QUÍ
Tuần trước, một buổi chiều đẹp trời, tôi thuê một chiếc taxi. Coi vẻ mặt và thái độ hung hăng khi nhấn ga, tôi hiểu ngay rằng người lái xe không được bình tĩnh. Tôi hỏi chú ta bực mình vì chuyện gì vậy?
Chú ta càu nhàu:
- Không bực mình làm sao được! Sáng nay một khách hàng bỏ quên trong xe tôi một cái ví, trong đó có gần 50.000 quan [1]. Tôi bỏ ra trên một giờ đồng hồ để tìm hắn, sau cùng tìm được trong khách sạn hắn trọ. Ông tưởng hắn đã cám ơn tôi vài lời ư? Hắn đỡ lấy cái ví và ngó tôi như thể tôi đã ăn cắp của hắn.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Người đó không thưởng cho chú một đồng nào ư?
- Một xu cũng không. Công tôi đi tìm cả giờ, lại thêm tiền xăng nhớt nữa, mất toi! Tiền nong, tôi không cần. Nhưng nếu thằng cha đó cảm ơn tôi một tiếng thôi…
Thế là cả ngày hôm đó chú ta hết vui vì lỗi của một kẻ không biết nhận đúng cử chỉ lương thiện và lòng hảo tâm của chú; và tôi tin chắc rằng từ bữa đó chú sẽ suy đi tính lại trước khi giúp ai một việc như vậy. Hết thảy chúng ta, khi làm một việc thiện đều muốn người ta tỏ lòng biết ơn mình; không có gì diệt lòng nhân từ, đoàn kết bằng thói vong ân.
Trong thế chiến vừa rồi, bà mẹ của một người lính nhảy dù Mỹ nhận được một bức thư của con cho hay rằng trong lúc bị thương và đói khát, đã được một người đàn bà ở Avranches cứu giúp, giấu không cho tụi Đức bắt. Chẳng may ít tháng sau chính người lính đó tử trận trong khi tấn công Ardennes. Nhưng bà mẹ anh ta vẫn tiếp tục thực hiện một ước nguyện không thể nào quên được. Bà dành dụm tiền trong hai năm để vượt Đại Tây Dương, lại thành phố ghi trong bức thư của con trai. Phải dò hỏi lâu bà mới kiếm được người đàn bà đã cho con trai bà trú ngụ - vợ một tá điền nghèo - và rụt rè đưa biếu người đó một gói nhỏ. Trong gói có một chiếc đồng hồ vàng, mà con trai bà được thưởng khi đậu một bằng cấp tốt nghiệp; chàng chỉ có mỗi vật đó là đáng giá.
Cử chỉ biết ơn của một người mẹ đó làm cho toàn dân miền Normandie rất đỗi cảm động, ở Avranches và khắp cả vùng chung quanh ai cũng nhắc tới, gần như một truyền kỳ.
Lòng biết ơn là nghệ thuật nhận ơn huệ một cách vui vẻ, nhã nhặn, tỏ rằng mình cảm động trước mọi dấu hiệu nhân từ của người khác, dù lớn dù nhỏ. Phần đông chúng ta đều biết tỏ nỗi mừng khi được ai vui vẻ tiếp đãi hoặc tặng một món quà, cho hưởng một cái lợi rõ rệt nào đó. Nhưng phải tìm cách biểu lộ lòng biết ơn một cách thật thành thực, không có vẻ gì xã giao thì nghệ thuật mới hoàn toàn.
Mới đây, trong khi vợ chồng tôi đi du lịch ở miền Nam nước Ý, tôi gởi về tặng một ông bạn thân vài chai rượu vang thổ sản mà chúng tôi cho là rất ngon. Món quà chẳng đáng gì, vậy mà ông bạn tôi đã viết thư cám ơn lại còn gởi cho một đĩa hát nữa. Đĩa đó ghi giọng nói của bạn tôi, sau bữa ăn tối, tả nỗi vui của các khách khứa và chính ông ta khi được nếm rượu và cảm ơn chúng tôi đã nghĩ tới họ. Lối cám ơn đó thực độc đáo; và chúng tôi rất sung sướng khi biết rằng món quà đã làm cho họ thích.
Không gì làm phật ý người ta bằng lối cám ơn ngoài miệng. Ông bạn già của tôi, James Barrie mà các vở hát và các tác phẩm tỏ rằng đã hiểu rõ tâm lý thanh niên, thường kể câu chuyện này:
- Một buổi chiều nọ, một ông bạn tôi gốc gác ở Ecosse và tôi đương bàn bạc về công việc làm ăn. Đứa con gái ông, chín tuổi, bước vô để dâng ông những chiếc bánh kẹp em mới làm xong vì biết ông thích thứ bánh đó. Ông bực mình vì câu chuyện bị ngắt, làm bộ nhấm nháp một chút, vội vàng khen em một lời nho nhỏ nhưng vẻ mặt vẫn nhăn nhó, rồi tiếp tục ngay câu chuyện bỏ dở. Em đó lúng túng, rất rầu rỉ, lặng lẽ bước ra. Vài tuần lễ sau má em hỏi em tại sao không làm bánh nữa.
Em òa lên khóc, la lớn: "Không khi nào con làm bánh kẹp nữa". Em tuyệt vọng.
Ông Barrie nói tiếp:
- Và từ đó, em tuyệt nhiên không làm bánh nữa.
* * *
Lòng biết ơn, đôi khi không phải chỉ là một việc riêng tư. Con trai tôi học y khoa ở trường đại học Mc Gill kể chuyện rằng một bệnh nhân chở lại dưỡng đường Montreal, nhờ sang huyết mà được cứu sống. Khi khỏi bệnh ông ta hỏi:
- Có cách nào biết được tên người cho máu để tôi cám ơn người đó không?
Người ta đáp rằng dưỡng đường luôn luôn giấu tên những người cho máu. Về nhà được ít tuần, ông ta trở lại dưỡng đường để cho máu và từ đó đến nay, đã mấy lần như vậy rồi. Một bác sĩ giải phẫu khen ông ta đã giúp đời một cách ẩn danh, ông ta chỉ đáp:
- Có một người ẩn danh đã giúp tôi. Tôi làm như vậy để đáp lại.
Thật là một điều phấn khởi khi ta nghĩ rằng lòng biết ơn có khi không phải chỉ là một tình cảm thoáng qua đâu mà có thể như một nguồn nước suốt đời không cạn. Một người chồng nhớ hoài một lần nào đó vợ đã tận tình hi sinh cho mình, một người vợ nhớ hoài những món quà chồng tặng mình, nhờ vậy sự hòa hợp trong gia đình sẽ tăng lên vô cùng. Nhà tự nhiên học W.Hudson kể câu chuyện dưới đây:
- Một buổi tối nọ, tôi dắt một ông bạn thân về nhà, gặp bữa, mời ông ăn. Ăn xong, ông ta bảo: "Anh thật có phước, chị nhà yếu đuối, phải săn sóc các cháu mà còn nấu cho anh được những món ngon như vậy". Lời khen đó đã mở mắt tôi ra: nhờ ông bạn đó mà tôi mới thấy sự can đảm hàng ngày của nhà tôi mà trước kia tôi cứ cho là tự nhiên, và từ đó tôi tỏ lòng mang ơn nhà tôi.
Thái độ nhã nhặn khi nhận ơn đó, phải được biểu lộ trong cả những tiểu tiết, những việc lặt vặt. Người đưa thư, người giao sữa, người hớt tóc, chị hầu bàn ở khách sạn [2], người điều khiển thang máy, đều là người giúp việc cho ta quanh năm. Ta biết cảm ơn họ thì những giao tế đó không có tính cách máy móc nữa mà còn đượm thêm cái tình người, nhờ đó những công việc đơn điệu hàng ngày đỡ buồn tẻ, hóa dễ chịu hơn. Mấy năm trước, có lần tới Cannes, tôi ở chung một khách sạn với huân tước Grey, một chính khách Anh. Tôi nhận thấy ông cảm ơn người giữ cửa mỗi khi người này mở cửa cho ông. Một hôm tôi đánh bạo hỏi tại sao ông lại mất công như vậy. Ông ngó thẳng vào mặt tôi, đáp:
- Tại chú ấy đã mất công giúp tôi.
Một bệnh nhân của tôi, bán vé ô tô buýt ở Londres, một hôm tâm sự với tôi rằng:
- Có nhiều lúc tôi ngán công việc của tôi quá. Thiên hạ kêu nài, làm tôi chịu không nổi, họ không bao giờ đem theo tiền lẻ cả. Nhưng có một bà sáng nào chiều nào cũng đi chuyến xe của tôi và lần nào cũng nhã nhặn cảm ơn khi tôi phát vé cho bà. Tôi cứ tưởng tượng rằng bà thay mặt tất cả hành khách mà cảm ơn tôi, có vậy tinh thần tôi mới phấn khởi lên được.
Có khi phải cho tiền thưởng; những lúc đó chúng ta nên nhớ rằng một nụ cười, một lời không sáo còn quí hơn món tiền thưởng nữa. Một ông bạn thân của thi hào Paul Valéry có thói quen ăn bữa trưa ở một quán trọ nọ ở Paris, ông ta làm thinh khi người hầu bàn dọn ăn cho, không khen chê gì cả và lần nào cũng thưởng một món tiền hậu hĩ. Valéry một hôm lại cùng ăn với ông và khi đi, mỉm cười cám ơn người hầu bàn, khen rằng nhờ cách tiếp đãi niềm nở, khéo léo mà bữa ăn ngon hơn nhiều. Người hầu bàn đó nhớ hoài Valéry và cứ thỉnh thoảng lại hỏi thăm ông.
Ông giám đốc một nhà xuất bản nọ thường khen tài năng của cô thư ký. Một hôm, nhà văn Arnold Bennett lại thăm ông ta, nói với cô thư ký:
- Ông chủ của cô khen cô là một thư ký tuyệt luân.
Cô ta đáp:
- Đâu phải là bí quyết của tôi, chính là bí quyết của ông chủ tôi đấy chứ.
Mỗi lần cô làm xong một việc gì dù là nhỏ nhặt tới đâu đi nữa, ông giám đốc cũng không quên cảm ơn cô. Nhờ được khuyến khích như vậy, cô tận tụy làm cho đến nơi đến chốn.
Không có gì làm cho đời sống - của chúng ta và của người khác - vui tươi rực rỡ hơn là lòng biết ơn. Tôi biết một y sĩ cho một số bệnh nhân thần kinh suy nhược cái toa này: "đa tạ". Khi một bệnh nhân tới nhờ ông chẩn mạch, có vẻ thất vọng, chán đời, óc chỉ nghĩ tới những đau khổ của mình thôi, mà cơ thể không có triệu chứng gì đau nặng cả thì ông ta khuyên:
- Liên tiếp sáu tuần lễ, hễ có ai giúp ông một việc gì thì ông nói: "đa tạ", và để tỏ rằng trong thâm tâm thực tình ông mang ơn người đó thì ông nên vừa nói vừa mỉm cười nhé.
Có vài bệnh nhân bảo:
- Nhưng thưa bác sĩ, có ai giúp tôi được việc nào bao giờ đâu.
Vị y sĩ già đó, nhắc lại câu này trong Thánh kinh:
- Cứ tìm đi thì sẽ thấy.
Sáu tuần lễ sau, đa số bệnh nhân đó trở lại, thay đổi hẳn, không trách oán người khác nữa, tin rằng thiên hạ sao mà tự nhiên hóa ra tốt hơn, nhân từ hơn.
Có vài người không tỏ lời cảm ơn vì ngại quấy rầy người ta. Một bệnh nhân của tôi hết bệnh, rời dưỡng đường rồi, vài tuần sau trở lại để cảm ơn nữ y tá đã săn sóc cho mình.
Ông ta bảo:
- Tôi không dám tới sớm vì tôi nghĩ rằng có nhiều người lại cảm ơn cô quá, làm rầy cô.
Nữ y tá đó đáp:
- Trái lại. Ông lại thăm tôi, tôi mừng lắm chứ. Rất ít người hiểu rằng chúng tôi cần được khuyến khích, và những lời bệnh nhân khuyến khích chúng tôi làm cho chúng tôi phấn khởi nhiều lắm.
Vậy chúng ta đừng bao giờ nên ngại tỏ lời mang ơn người khác. Và chúng ta đừng nên quên rằng nụ cười, lời cảm ơn, những hành động biểu lộ lòng mang ơn của ta giúp cho người chung quanh ta có một thái độ lạc quan về đời sống.
Chú thích :
[1] quan cũ, bằng một phần trăm quan mới.
[2] người phương Tây bữa trưa thường ăn ở tiệm, tối mới về nhà.
Nguyễn Hiến Lê dịch
LÒNG NHỚ ƠN LÀ MỘT ĐỨC QUÍ
Tuần trước, một buổi chiều đẹp trời, tôi thuê một chiếc taxi. Coi vẻ mặt và thái độ hung hăng khi nhấn ga, tôi hiểu ngay rằng người lái xe không được bình tĩnh. Tôi hỏi chú ta bực mình vì chuyện gì vậy?
Chú ta càu nhàu:
- Không bực mình làm sao được! Sáng nay một khách hàng bỏ quên trong xe tôi một cái ví, trong đó có gần 50.000 quan [1]. Tôi bỏ ra trên một giờ đồng hồ để tìm hắn, sau cùng tìm được trong khách sạn hắn trọ. Ông tưởng hắn đã cám ơn tôi vài lời ư? Hắn đỡ lấy cái ví và ngó tôi như thể tôi đã ăn cắp của hắn.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Người đó không thưởng cho chú một đồng nào ư?
- Một xu cũng không. Công tôi đi tìm cả giờ, lại thêm tiền xăng nhớt nữa, mất toi! Tiền nong, tôi không cần. Nhưng nếu thằng cha đó cảm ơn tôi một tiếng thôi…
Thế là cả ngày hôm đó chú ta hết vui vì lỗi của một kẻ không biết nhận đúng cử chỉ lương thiện và lòng hảo tâm của chú; và tôi tin chắc rằng từ bữa đó chú sẽ suy đi tính lại trước khi giúp ai một việc như vậy. Hết thảy chúng ta, khi làm một việc thiện đều muốn người ta tỏ lòng biết ơn mình; không có gì diệt lòng nhân từ, đoàn kết bằng thói vong ân.
Trong thế chiến vừa rồi, bà mẹ của một người lính nhảy dù Mỹ nhận được một bức thư của con cho hay rằng trong lúc bị thương và đói khát, đã được một người đàn bà ở Avranches cứu giúp, giấu không cho tụi Đức bắt. Chẳng may ít tháng sau chính người lính đó tử trận trong khi tấn công Ardennes. Nhưng bà mẹ anh ta vẫn tiếp tục thực hiện một ước nguyện không thể nào quên được. Bà dành dụm tiền trong hai năm để vượt Đại Tây Dương, lại thành phố ghi trong bức thư của con trai. Phải dò hỏi lâu bà mới kiếm được người đàn bà đã cho con trai bà trú ngụ - vợ một tá điền nghèo - và rụt rè đưa biếu người đó một gói nhỏ. Trong gói có một chiếc đồng hồ vàng, mà con trai bà được thưởng khi đậu một bằng cấp tốt nghiệp; chàng chỉ có mỗi vật đó là đáng giá.
Cử chỉ biết ơn của một người mẹ đó làm cho toàn dân miền Normandie rất đỗi cảm động, ở Avranches và khắp cả vùng chung quanh ai cũng nhắc tới, gần như một truyền kỳ.
Lòng biết ơn là nghệ thuật nhận ơn huệ một cách vui vẻ, nhã nhặn, tỏ rằng mình cảm động trước mọi dấu hiệu nhân từ của người khác, dù lớn dù nhỏ. Phần đông chúng ta đều biết tỏ nỗi mừng khi được ai vui vẻ tiếp đãi hoặc tặng một món quà, cho hưởng một cái lợi rõ rệt nào đó. Nhưng phải tìm cách biểu lộ lòng biết ơn một cách thật thành thực, không có vẻ gì xã giao thì nghệ thuật mới hoàn toàn.
Mới đây, trong khi vợ chồng tôi đi du lịch ở miền Nam nước Ý, tôi gởi về tặng một ông bạn thân vài chai rượu vang thổ sản mà chúng tôi cho là rất ngon. Món quà chẳng đáng gì, vậy mà ông bạn tôi đã viết thư cám ơn lại còn gởi cho một đĩa hát nữa. Đĩa đó ghi giọng nói của bạn tôi, sau bữa ăn tối, tả nỗi vui của các khách khứa và chính ông ta khi được nếm rượu và cảm ơn chúng tôi đã nghĩ tới họ. Lối cám ơn đó thực độc đáo; và chúng tôi rất sung sướng khi biết rằng món quà đã làm cho họ thích.
Không gì làm phật ý người ta bằng lối cám ơn ngoài miệng. Ông bạn già của tôi, James Barrie mà các vở hát và các tác phẩm tỏ rằng đã hiểu rõ tâm lý thanh niên, thường kể câu chuyện này:
- Một buổi chiều nọ, một ông bạn tôi gốc gác ở Ecosse và tôi đương bàn bạc về công việc làm ăn. Đứa con gái ông, chín tuổi, bước vô để dâng ông những chiếc bánh kẹp em mới làm xong vì biết ông thích thứ bánh đó. Ông bực mình vì câu chuyện bị ngắt, làm bộ nhấm nháp một chút, vội vàng khen em một lời nho nhỏ nhưng vẻ mặt vẫn nhăn nhó, rồi tiếp tục ngay câu chuyện bỏ dở. Em đó lúng túng, rất rầu rỉ, lặng lẽ bước ra. Vài tuần lễ sau má em hỏi em tại sao không làm bánh nữa.
Em òa lên khóc, la lớn: "Không khi nào con làm bánh kẹp nữa". Em tuyệt vọng.
Ông Barrie nói tiếp:
- Và từ đó, em tuyệt nhiên không làm bánh nữa.
* * *
Lòng biết ơn, đôi khi không phải chỉ là một việc riêng tư. Con trai tôi học y khoa ở trường đại học Mc Gill kể chuyện rằng một bệnh nhân chở lại dưỡng đường Montreal, nhờ sang huyết mà được cứu sống. Khi khỏi bệnh ông ta hỏi:
- Có cách nào biết được tên người cho máu để tôi cám ơn người đó không?
Người ta đáp rằng dưỡng đường luôn luôn giấu tên những người cho máu. Về nhà được ít tuần, ông ta trở lại dưỡng đường để cho máu và từ đó đến nay, đã mấy lần như vậy rồi. Một bác sĩ giải phẫu khen ông ta đã giúp đời một cách ẩn danh, ông ta chỉ đáp:
- Có một người ẩn danh đã giúp tôi. Tôi làm như vậy để đáp lại.
Thật là một điều phấn khởi khi ta nghĩ rằng lòng biết ơn có khi không phải chỉ là một tình cảm thoáng qua đâu mà có thể như một nguồn nước suốt đời không cạn. Một người chồng nhớ hoài một lần nào đó vợ đã tận tình hi sinh cho mình, một người vợ nhớ hoài những món quà chồng tặng mình, nhờ vậy sự hòa hợp trong gia đình sẽ tăng lên vô cùng. Nhà tự nhiên học W.Hudson kể câu chuyện dưới đây:
- Một buổi tối nọ, tôi dắt một ông bạn thân về nhà, gặp bữa, mời ông ăn. Ăn xong, ông ta bảo: "Anh thật có phước, chị nhà yếu đuối, phải săn sóc các cháu mà còn nấu cho anh được những món ngon như vậy". Lời khen đó đã mở mắt tôi ra: nhờ ông bạn đó mà tôi mới thấy sự can đảm hàng ngày của nhà tôi mà trước kia tôi cứ cho là tự nhiên, và từ đó tôi tỏ lòng mang ơn nhà tôi.
Thái độ nhã nhặn khi nhận ơn đó, phải được biểu lộ trong cả những tiểu tiết, những việc lặt vặt. Người đưa thư, người giao sữa, người hớt tóc, chị hầu bàn ở khách sạn [2], người điều khiển thang máy, đều là người giúp việc cho ta quanh năm. Ta biết cảm ơn họ thì những giao tế đó không có tính cách máy móc nữa mà còn đượm thêm cái tình người, nhờ đó những công việc đơn điệu hàng ngày đỡ buồn tẻ, hóa dễ chịu hơn. Mấy năm trước, có lần tới Cannes, tôi ở chung một khách sạn với huân tước Grey, một chính khách Anh. Tôi nhận thấy ông cảm ơn người giữ cửa mỗi khi người này mở cửa cho ông. Một hôm tôi đánh bạo hỏi tại sao ông lại mất công như vậy. Ông ngó thẳng vào mặt tôi, đáp:
- Tại chú ấy đã mất công giúp tôi.
Một bệnh nhân của tôi, bán vé ô tô buýt ở Londres, một hôm tâm sự với tôi rằng:
- Có nhiều lúc tôi ngán công việc của tôi quá. Thiên hạ kêu nài, làm tôi chịu không nổi, họ không bao giờ đem theo tiền lẻ cả. Nhưng có một bà sáng nào chiều nào cũng đi chuyến xe của tôi và lần nào cũng nhã nhặn cảm ơn khi tôi phát vé cho bà. Tôi cứ tưởng tượng rằng bà thay mặt tất cả hành khách mà cảm ơn tôi, có vậy tinh thần tôi mới phấn khởi lên được.
Có khi phải cho tiền thưởng; những lúc đó chúng ta nên nhớ rằng một nụ cười, một lời không sáo còn quí hơn món tiền thưởng nữa. Một ông bạn thân của thi hào Paul Valéry có thói quen ăn bữa trưa ở một quán trọ nọ ở Paris, ông ta làm thinh khi người hầu bàn dọn ăn cho, không khen chê gì cả và lần nào cũng thưởng một món tiền hậu hĩ. Valéry một hôm lại cùng ăn với ông và khi đi, mỉm cười cám ơn người hầu bàn, khen rằng nhờ cách tiếp đãi niềm nở, khéo léo mà bữa ăn ngon hơn nhiều. Người hầu bàn đó nhớ hoài Valéry và cứ thỉnh thoảng lại hỏi thăm ông.
Ông giám đốc một nhà xuất bản nọ thường khen tài năng của cô thư ký. Một hôm, nhà văn Arnold Bennett lại thăm ông ta, nói với cô thư ký:
- Ông chủ của cô khen cô là một thư ký tuyệt luân.
Cô ta đáp:
- Đâu phải là bí quyết của tôi, chính là bí quyết của ông chủ tôi đấy chứ.
Mỗi lần cô làm xong một việc gì dù là nhỏ nhặt tới đâu đi nữa, ông giám đốc cũng không quên cảm ơn cô. Nhờ được khuyến khích như vậy, cô tận tụy làm cho đến nơi đến chốn.
Không có gì làm cho đời sống - của chúng ta và của người khác - vui tươi rực rỡ hơn là lòng biết ơn. Tôi biết một y sĩ cho một số bệnh nhân thần kinh suy nhược cái toa này: "đa tạ". Khi một bệnh nhân tới nhờ ông chẩn mạch, có vẻ thất vọng, chán đời, óc chỉ nghĩ tới những đau khổ của mình thôi, mà cơ thể không có triệu chứng gì đau nặng cả thì ông ta khuyên:
- Liên tiếp sáu tuần lễ, hễ có ai giúp ông một việc gì thì ông nói: "đa tạ", và để tỏ rằng trong thâm tâm thực tình ông mang ơn người đó thì ông nên vừa nói vừa mỉm cười nhé.
Có vài bệnh nhân bảo:
- Nhưng thưa bác sĩ, có ai giúp tôi được việc nào bao giờ đâu.
Vị y sĩ già đó, nhắc lại câu này trong Thánh kinh:
- Cứ tìm đi thì sẽ thấy.
Sáu tuần lễ sau, đa số bệnh nhân đó trở lại, thay đổi hẳn, không trách oán người khác nữa, tin rằng thiên hạ sao mà tự nhiên hóa ra tốt hơn, nhân từ hơn.
Có vài người không tỏ lời cảm ơn vì ngại quấy rầy người ta. Một bệnh nhân của tôi hết bệnh, rời dưỡng đường rồi, vài tuần sau trở lại để cảm ơn nữ y tá đã săn sóc cho mình.
Ông ta bảo:
- Tôi không dám tới sớm vì tôi nghĩ rằng có nhiều người lại cảm ơn cô quá, làm rầy cô.
Nữ y tá đó đáp:
- Trái lại. Ông lại thăm tôi, tôi mừng lắm chứ. Rất ít người hiểu rằng chúng tôi cần được khuyến khích, và những lời bệnh nhân khuyến khích chúng tôi làm cho chúng tôi phấn khởi nhiều lắm.
Vậy chúng ta đừng bao giờ nên ngại tỏ lời mang ơn người khác. Và chúng ta đừng nên quên rằng nụ cười, lời cảm ơn, những hành động biểu lộ lòng mang ơn của ta giúp cho người chung quanh ta có một thái độ lạc quan về đời sống.
Chú thích :
[1] quan cũ, bằng một phần trăm quan mới.
[2] người phương Tây bữa trưa thường ăn ở tiệm, tối mới về nhà.
Nguyễn Hiến Lê dịch
thanh huyen- 69KNS
- Tổng số bài gửi : 705
Join date : 10/06/2011
PHẢI THA THỨ - A.J.Cronin
Tôi đã được dạy dỗ theo một gia phong nghiêm khắc, bất kỳ lỗi nào cũng phải chịu hình phạt. Các cụ cho như vậy là công bằng.
Năm 1921, mới ở trường ra, tôi được bổ làm y sĩ trong một bệnh viện trị các bệnh truyền nhiễm, tại một miền lạnh lẽo ảm đạm ở Northumberland. Tôi mới tới bệnh viện được mấy ngày thì một tối mùa đông người ta dắt vô một em sáu tuổi bị bệnh bạch hầu (diphterie). Cuống họng em bị nhiều màng làm nghẹt và chỉ có một hy vọng nhỏ nhoi cứu em được là mổ khí quản (trachéotomie) tức thì.
Tôi thiếu kinh nghiệm một cách tai hại, chưa bao giờ làm việc giải phẫu giản dị nhưng quyết định đó cả. Trong gian phòng trống, ánh đèn yếu ớt, tôi rét cóng, run rẩy, gần muốn nôn mửa, nhìn dì phước già và một cô y tá độc nhất, tập sự, còn trẻ, đặt em nhỏ nghẹt thở lên bàn mổ.
Tôi lóng cóng cầm con dao mổ cuống họng ứ huyết của em. Càng thấy mình vụng về, tôi càng quyết thành công, cứu em bé gần chết ngạt đó. Sau cùng cặp mắt mờ vì mồ hôi của tôi thấy được khí quản trắng, bóng láng của em. Tôi đục một lỗ và một luồng không khí vô đầy phổi phập phồng của nó. Hai lá phổi bị ép phồng lên lần lần và đứa bé đã kiệt sức hồi tỉnh lại. Tôi vội vàng đút một cái ống vô, khâu lại, coi chừng cho người ta đặt em đàng hoàng vào giường, trong cái màn dưỡng khí. Hãnh diện vì thành công, tôi trở về phòng riêng.
Bốn giờ sau, vào lúc hai giờ sáng, tôi chồm dậy. Có tiếng gõ cửa. Cô y tá mặt tái mét, hoảng hốt ấp úng bảo tôi:
- Thưa bác sĩ, mời bác sĩ tới ngay.
Cô có phận sự canh đứa nhỏ, ngủ thiếp đi trên đầu giường nó, lúc tỉnh đậy thì thấy cái ống đã bị tắc. Đáng lẽ theo lời tôi dặn, rút ống ra, hút hết màng nhớt đi, công việc đó bất kỳ y tá nào cũng làm được, thì cô ta hoảng quá, quýnh lên, bỏ chạy, lỗi đó không sao tha thứ được. Khi tôi vô tới phòng thì đứa nhỏ đã tắt thở, gắng cách gì cũng không làm cho hồi tỉnh lại được.
Tôi thấy thế là toi một mạng người một cách lãng nhách, thật là một sự mất mát không sao đền bồi được. Nghĩ tới cái nỗi mình thành công như vậy mà chỉ vì sự biếng nhác, ngu xuẩn của một nữ y tá hoảng hốt, hóa ra hỏng hết, tôi giận sôi lên. Nhất định rồi, tai nạn đó sẽ chấm dứt đời y tá của cô ta. Tôi quyết tâm gởi Sở y tế trong miền một bản báo cáo để đuổi cô ta và cấm cô hành nghề nữa.
Đêm đó tôi thảo ngay bản phán quyết của tôi, giọng nghiêm khắc, cay độc. Rồi tôi cho kêu cô vô, giọng run lên vì giận, đọc lớn tiếng cho cô nghe.
Cô lặng thinh nghe tôi, vẻ mặt thiểu não. Cô gốc gác ở xứ Galles, chưa đầy 20 tuổi, gầy yếu, lợt lạt, hơi vụng về, có tật giật giật ở một bên má. Thiếu máu, thiếu ăn, cô vừa xấu hổ, vừa đau khổ, muốn té xỉu.
Cô không tìm cách gỡ tội, muốn gỡ tội, cô có thể viện lẽ rằng làm việc mệt quá. Sau cùng tôi bực mình, la lớn:
- Cô không nói gì cả sao?
Cô lắc đầu, vẻ khổ sở vô cùng. Rồi bỗng cô lí nhí trong miệng:
- Xin bác sĩ tha thứ cho tôi lần này.
Tôi sửng sốt. Ừ, tôi không hề có ý nghĩ đó. Tôi chỉ nghĩ đến việc trừng phạt cô thôi. Tôi trừng trừng ngó cô rồi xẵng giọng, đuổi cô ra, sau cùng tôi ký tên, niêm phong bản báo cáo.
Nhưng cả đêm đó tôi trằn trọc một cách lạ thường. "Xin bác sĩ tha thứ cho tôi lần này". Có một tiếng vang gì vo vo hoài trong đầu tôi: một tiếng thì thầm rằng sự công bình của tôi - mọi sự công bình chứ - chỉ là do cái lòng muốn trả thù mà ra thôi. Và tôi phát cáu tự nhủ tôi hoài: "Đừng làm cái trò xuẩn đó!"
Sáng hôm sau tôi lại hộc tủ, lấy bức thư ra xé bỏ. Nhiều năm trôi qua. Thiếu nữ lầm lỡ tai hại đó đã thành y tá trưởng trong một viện nuôi trẻ em quan trọng nhất ở xứ Galles. Trong suốt đời y tá, bà ta đã tỏ ra là một mẫu mực chuyên cần, tận tâm. Đầu thế chiến tôi nhận được tấm hình chụp trong một cái hầm núp tránh bom, trên hình có một người đàn bà khoảng tứ tuần, bận đồng phục y tá trưởng, chung quanh có một bầy trẻ. Bà ta có vẻ mệt nhọc nhưng bọn trẻ đều ngó bà, âu yếm tin cậy bà lắm.
"Xin Chúa tha thứ những tội lỗi của chúng con và chúng con xin tha thứ những người đã có lỗi với chúng con."
Lời cầu nguyện đó rất khó theo. Nhưng người nào thực tâm ráng theo được, thì ngay ở cõi trần này, cũng đã được nhận phần thưởng rồi.
Nguyễn Hiến Lê dịch
Năm 1921, mới ở trường ra, tôi được bổ làm y sĩ trong một bệnh viện trị các bệnh truyền nhiễm, tại một miền lạnh lẽo ảm đạm ở Northumberland. Tôi mới tới bệnh viện được mấy ngày thì một tối mùa đông người ta dắt vô một em sáu tuổi bị bệnh bạch hầu (diphterie). Cuống họng em bị nhiều màng làm nghẹt và chỉ có một hy vọng nhỏ nhoi cứu em được là mổ khí quản (trachéotomie) tức thì.
Tôi thiếu kinh nghiệm một cách tai hại, chưa bao giờ làm việc giải phẫu giản dị nhưng quyết định đó cả. Trong gian phòng trống, ánh đèn yếu ớt, tôi rét cóng, run rẩy, gần muốn nôn mửa, nhìn dì phước già và một cô y tá độc nhất, tập sự, còn trẻ, đặt em nhỏ nghẹt thở lên bàn mổ.
Tôi lóng cóng cầm con dao mổ cuống họng ứ huyết của em. Càng thấy mình vụng về, tôi càng quyết thành công, cứu em bé gần chết ngạt đó. Sau cùng cặp mắt mờ vì mồ hôi của tôi thấy được khí quản trắng, bóng láng của em. Tôi đục một lỗ và một luồng không khí vô đầy phổi phập phồng của nó. Hai lá phổi bị ép phồng lên lần lần và đứa bé đã kiệt sức hồi tỉnh lại. Tôi vội vàng đút một cái ống vô, khâu lại, coi chừng cho người ta đặt em đàng hoàng vào giường, trong cái màn dưỡng khí. Hãnh diện vì thành công, tôi trở về phòng riêng.
Bốn giờ sau, vào lúc hai giờ sáng, tôi chồm dậy. Có tiếng gõ cửa. Cô y tá mặt tái mét, hoảng hốt ấp úng bảo tôi:
- Thưa bác sĩ, mời bác sĩ tới ngay.
Cô có phận sự canh đứa nhỏ, ngủ thiếp đi trên đầu giường nó, lúc tỉnh đậy thì thấy cái ống đã bị tắc. Đáng lẽ theo lời tôi dặn, rút ống ra, hút hết màng nhớt đi, công việc đó bất kỳ y tá nào cũng làm được, thì cô ta hoảng quá, quýnh lên, bỏ chạy, lỗi đó không sao tha thứ được. Khi tôi vô tới phòng thì đứa nhỏ đã tắt thở, gắng cách gì cũng không làm cho hồi tỉnh lại được.
Tôi thấy thế là toi một mạng người một cách lãng nhách, thật là một sự mất mát không sao đền bồi được. Nghĩ tới cái nỗi mình thành công như vậy mà chỉ vì sự biếng nhác, ngu xuẩn của một nữ y tá hoảng hốt, hóa ra hỏng hết, tôi giận sôi lên. Nhất định rồi, tai nạn đó sẽ chấm dứt đời y tá của cô ta. Tôi quyết tâm gởi Sở y tế trong miền một bản báo cáo để đuổi cô ta và cấm cô hành nghề nữa.
Đêm đó tôi thảo ngay bản phán quyết của tôi, giọng nghiêm khắc, cay độc. Rồi tôi cho kêu cô vô, giọng run lên vì giận, đọc lớn tiếng cho cô nghe.
Cô lặng thinh nghe tôi, vẻ mặt thiểu não. Cô gốc gác ở xứ Galles, chưa đầy 20 tuổi, gầy yếu, lợt lạt, hơi vụng về, có tật giật giật ở một bên má. Thiếu máu, thiếu ăn, cô vừa xấu hổ, vừa đau khổ, muốn té xỉu.
Cô không tìm cách gỡ tội, muốn gỡ tội, cô có thể viện lẽ rằng làm việc mệt quá. Sau cùng tôi bực mình, la lớn:
- Cô không nói gì cả sao?
Cô lắc đầu, vẻ khổ sở vô cùng. Rồi bỗng cô lí nhí trong miệng:
- Xin bác sĩ tha thứ cho tôi lần này.
Tôi sửng sốt. Ừ, tôi không hề có ý nghĩ đó. Tôi chỉ nghĩ đến việc trừng phạt cô thôi. Tôi trừng trừng ngó cô rồi xẵng giọng, đuổi cô ra, sau cùng tôi ký tên, niêm phong bản báo cáo.
Nhưng cả đêm đó tôi trằn trọc một cách lạ thường. "Xin bác sĩ tha thứ cho tôi lần này". Có một tiếng vang gì vo vo hoài trong đầu tôi: một tiếng thì thầm rằng sự công bình của tôi - mọi sự công bình chứ - chỉ là do cái lòng muốn trả thù mà ra thôi. Và tôi phát cáu tự nhủ tôi hoài: "Đừng làm cái trò xuẩn đó!"
Sáng hôm sau tôi lại hộc tủ, lấy bức thư ra xé bỏ. Nhiều năm trôi qua. Thiếu nữ lầm lỡ tai hại đó đã thành y tá trưởng trong một viện nuôi trẻ em quan trọng nhất ở xứ Galles. Trong suốt đời y tá, bà ta đã tỏ ra là một mẫu mực chuyên cần, tận tâm. Đầu thế chiến tôi nhận được tấm hình chụp trong một cái hầm núp tránh bom, trên hình có một người đàn bà khoảng tứ tuần, bận đồng phục y tá trưởng, chung quanh có một bầy trẻ. Bà ta có vẻ mệt nhọc nhưng bọn trẻ đều ngó bà, âu yếm tin cậy bà lắm.
"Xin Chúa tha thứ những tội lỗi của chúng con và chúng con xin tha thứ những người đã có lỗi với chúng con."
Lời cầu nguyện đó rất khó theo. Nhưng người nào thực tâm ráng theo được, thì ngay ở cõi trần này, cũng đã được nhận phần thưởng rồi.
Nguyễn Hiến Lê dịch
thanh huyen- 69KNS
- Tổng số bài gửi : 705
Join date : 10/06/2011
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết