GĐ VĐKMCN Hải Ngoại & Thân hữu Khắp nơi
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trên một chuyến xe....

4 posters

Go down

Trên một chuyến xe.... Empty Trên một chuyến xe....

Bài gửi  6hau6 Thu Oct 27, 2011 5:17 am

Trên một chuyến xe.... Chuyenxe273oi

Hai người già ngồi cạnh nhau trên băng ghế gần cửa. Có lẽ trên chuyến xe này họ là hai người bất hạnh nhất. Từng tuổi này còn dắt díu nhau đi thăm con cái khi chẳng đứa nào về thăm mình, bắt chuyến xe ít tiền nhất để tằn tiện quà bánh cho mấy đứa cháu Sài Gòn...

Mình ngồi gần họ, nghe được tiếng họ thì thầm, thấy được cái tuổi họ không còn nhiều cho sự sống. Suốt chặng đường không dài lắm với mình (và quá dài với họ) bất chợt nghĩ ngày sau, khi mình cứ mãi lao vào vận may rủi cơm áo gạo tiền thì có lẽ gần hết đời mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh như họ mà thôi.
Họ là một đôi vợ chồng thất thập cổ lai hy, cụ ông và cụ bà ngồi cùng nhau trên băng ghế trước gần cửa xe nhất, bên dưới gầm ghế cơ man nào là túi và giỏ, có lẽ bên trong đấy là cả một trời quê hương và tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dành cho con cháu, dành cho những đứa con được cha mẹ nâng niu, nuôi nấng từ mảnh đất còi cọc mà khi lớn lên tất cả những người con ấy (vì một lý do khách quan nào đó) đã từ chổi quê hương, từ bỏ cha mẹ để cuốn đời trẻ vào con đường mưu sanh (như mình chẳng hạn) ở đất Sài Thành này.

Tôi đã hối hả về thăm những đứa con bé bỏng sau gần hai tháng quên mất mình còn có chúng. Tôi cảm nhận được sự hồ hởi trong tôi gấp một vạn lần cái sự hồ hởi đợi chờ của ba đứa nhỏ, tôi như chạm được vào sự vui mừng gấp một ngàn lần những đứa con về sự ôm ấp yêu thương khi ôm lấy chúng. Và không chối bỏ điều tôi đã đắn đo đong đếm chi li khi phải chọn về thăm con hay ở lại tiếp tục xoay vòng với công việc chất ngất, với nỗi lo toan mênh mang hơn cả nỗi nhớ thương con. Ừ thì về đại như mình liều một chuyến vậy (yêu con đến nỗi phải liều mà bỏ việc về thăm đấy). Có thể chúng sẽ hiểu và cũng có thể mình phải chấp nhận điều chúng không muốn hiểu. Nước mắt có bao giờ lại chẳng chảy xuôi…?!
Nước mắt chảy xuôi đến bao giờ nhỉ? Khi những giọt nước mắt yêu thương cạn khô đặc quánh lại trên gò má không còn thanh xuân nữa, giọt nước mắt khẽ khàng vướng víu lại nơi những nếp nhăn mà mỗi bận thời gia qua đã cuốn theo sự nhớ thương, sự lo lắng rồi từ đó nhũn nhàu theo năm tháng. Giọt nước mắt già nua đó (có lẽ) đang nằm đâu đó dưới khóe mi hai cụ ông cụ bà đó, họ ngồi ngang băng ghế vợ chồng tôi.

... Thật vất vả khi phải đón xe khách dọc đường, phóng tót lên xe chỉ với ý nghĩ mau mau trở lại Sài Gòn cho kịp công việc bỏ dở, quên cả việc kén chọn xe khách chất lượng cao hay thấp, không kịp nghĩ đến sự tiện nghi hay không tiện nghi vào thời điểm này nữa. Tạm thời không còn kịp nghĩ mình phải đổi bao nhiêu tiền để được phục vụ mà chỉ cần thời gian nhanh hay chậm, cũng có thể đôi lúc tự tặng thưởng cho mình một chuyến phiêu lưu trên chuyến xe tốc hành không bến bãi. Ngồi trên những chuyến xe đó thay vì hồi hộp lo lắng không biết nhà xe sẽ “bán” mình sang xe khác lúc nào thì mình cứ nghĩ với số tiền ít ỏi đó mình đang mua được một vé trọn gói cho những trò chơi mạo hiểm trong công viên, thay vì đến nơi đến chốn thì mình cứ chuẩn bị sẵn tinh thần là sẽ phóng nhanh xuống xe khi vào cửa ngõ thành phố và bắt nhanh chuyến xe bus nào đó để kịp vào bến xa cảng miền tây. Ở nơi đó còn một chiếc xe gắn máy nằm chỏng chơ trong bãi từ đêm qua sau khi ký vào giấy cam kết gửi xe qua đêm sẽ không kiện cáo nếu trầy xước.

Xe dừng đón khách.
Cụ ông tranh thủ bước xuống “giải quyến vấn đề” ngay phía dưới, có lẽ vì thế mà hai ông bà cụ chọn băng ghế gần cửa nhất?! Bất đắc dĩ ngồi trên chuyến xe ấy thì người ta có vô tâm, có mệt mỏi và có lười đến cỡ nào cũng phải hé răng nhắc nhở phụ xế: "Còn ông cụ bên dưới nhe!”
Đáp lại là tiếng chửi thề lầm bầm của nhà xe, tiếng cười khinh khỉnh của phụ xế vì bất kỳ ai đó đã làm mất quá nhiều thời gian của họ. Chuyến xe (chưa đủ gọi là bão táp) lại vút đi bằng tất cả sự bàng quang của phụ xế và cánh cửa xe tự khép khi cụ ông chưa kịp ngồi vào chỗ của mình, phía trước mặt không có cả thanh chắn bảo hiểm.

Thở dài đánh sượt…
Lại miên man nghĩ về họ, hai người già ngồi cạnh nhau trên băng ghế gần cửa. Có lẽ trên chuyến xe này họ là hai người bất hạnh nhất. Từng tuổi này còn dắt díu nhau đi thăm con cái khi chẳng đứa nào về thăm mình, bắt chuyến xe ít tiền nhất để tằn tiện quà bánh cho mấy đứa cháu Sài Gòn.
Cầm chặt trong tay cụ bà là tờ lịch cũ nắn nót những con số được bắt đầu bằng đầu số 090…. cuối đó là cái tên (theo như tôi nghĩ) thằng con trai cưng, có lẽ người đàn ông ấy cũng bận bịu như mình nên sau khi ai đó trên xe gọi giùm cụ bà số điện thoại ấy chỉ nghe trả lời gọn lỏn rằng: "Cứ đến bến xe sẽ có người ra đón vì anh ấy quá bận”. Bất chợt rùng mình nghĩ đến bản thân mình vài mươi năm nữa chân run run đứng chơ vơ giữa phố phường xa lạ chờ người nhà của thằng con đến đón mình về nhà hắn mà sợ. Thôi thì thay vì để đón chờ điều đó trong vài mươi năm nữa thì từ bây giờ cứ lo về thăm bọn trẻ trước cho “phải phép”. Nếu không sau này già yếu đau bệnh lại phải lê lết thân già đi như thế thì khổ.

Ừ mà cứ nghĩ đi, hai người họ đáng thương biết bao trong mắt mọi người. Nào là khổ sở với con cái, nào là lên xuống xe để giải quyến vấn đề tuổi cao trên suốt chuyến đường dài, đổi lại cánh nhà xe khó chịu càm ràm (chưa kể chửi rủa) bỡn cợt. Nào là lo lắng sự đón rước đằng sau dãy số được bắt đầu từ đầu số 090… Nhưng có ai nhận ra điều mà hai con người họ có được hơn tất cả mọi con người trên chuyến xe này không nhỉ? Đó chính là sự “có nhau” đến gần hết cuộc đời, chí ít thì họ cũng đã có nhau trong nỗi khổ cực vừa nếm trải, có nhau trong cơn bệnh tật ốm đau, có nhau trong cả sự chơ vơ giữa chốn Sài Thành mà chính con cái họ vô tình đặt để.
Sự có nhau của hai con người ấy thật sự không dễ gì khiến người khác phải nghĩ đến ngoài những cái nhếch môi cười ruồi theo đôi ba câu cụ bà bắt chuyện. Có thể anh phụ xế là người tốt khi bấm số điện thoại hộ con trai bà, cũng có thể ngay sau đó anh ta biến thành kẻ rỗi hơi khi cười ha hả nói vào tai bà cụ: "Máy con hết tiền rồi”. Và ngay sau đó anh ta lại trở về điểm xuất phát của con người (là người tốt) và bảo cụ bà mượn điện thoại ai đó bên dưới gọi cho con trai.
Bỗng dưng thấy cả vợ lẫn chồng mình đều trở thành người vô cảm khi cả hai chiếc điện thoại cạn kiện nguồn pin từ tối hôm qua. Và theo nguyên tắc của cuộc sống riêng mình, cả hai dù không ai nói ra cũng đủ tự hiểu: Sau tất cả những gì ngoài tầm tay hoặc lực bất tòng tâm, tuyệt đối không được thốt ra câu nói được bắt đầu bằng hai chữ “giá như…”, vì thật sự mình có giá như abc... hay xyz… nào đó thì cũng không giúp ai được gì thêm.

Ngồi đó, mắt nhắm nghiền để nghe bên dưới ai đó đang phàn nàn anh con trai của hai cụ đã hỏi quá nhiều trong khi điện thoại họ tiết kiệm từng đồng từng cắc trong tài khoản. Có thể người con quan tâm đến cha mẹ mình mà quên béng đi việc hai ông bà cụ đang nhờ điện thoại người khác, cũng có thể “người khác” đó cân đo quá tỉ mỉ giữa sự tử tế và tiền bạc…. Cuối cùng thì “người khác” ấy cũng gọi lại lần nữa: "Anh cho người ra bến xe đón ba mẹ anh về!”
Trên một chuyến xe gần đủ ba mươi con người xa lạ, nửa đường sang xe khác họ nghĩ niềm vui và sự trả ơn cha mẹ tất tần tật đều được họ vun đắp đủ đầy bằng vật chất, bằng cách đặt cha mẹ ngồi vào bàn, cơm có người dâng, nước có người rót, đừng đi nhiều sẽ va vào những món đắt tiền mà khổ (cho họ) chứ không phải lo cha mẹ tay chân già yếu vụng về. Tôi có đả kích hay quy kết bất kỳ người con nào đó trong hoàn cảnh này không hay thật sự tôi đang nghĩ về viễn cảnh của chính mình trong vào mươi năm nữa?

Xe vào bến.
Đúng ngay cái bến chúng tôi cần đến, nơi mà chút nữa tôi sẽ vào bãi lấy xe máy, hai vợ chồng sẽ chạy thật nhanh về nơi chúng tôi sẽ cắm mũi vào lo toan, tính toán mưu sanh. Người nhà của anh con trai đó có đến đón hai ông bà cụ hay không chúng tôi cũng quên nghĩ đến, "người khác" tử tế có lẽ đang kiểm tra lại tài khoản trong điện thoại của mình. Cánh nhà xe có lẽ tất bật dọn quét sàn xe cùng với vài ba câu chửi đổng… Sài Gòn mà, việc ai nấy làm và cuộc đời ai nấy sống. Xoay vòng như con chốt gió dưới quê, đi thật nhanh, cuốn tất cả mọi thứ xoáy theo nó thật nhanh rồi tan biến… Hệ quả phía sau cơn chốt gió là tất cả những gì ta từng chấp nhận đánh đổi khi bắt đầu chấp nhận lao theo…

Võ Thụy Như Phương
6hau6
6hau6
71CKO
71CKO

Tổng số bài gửi : 296
Join date : 10/06/2011
Đến từ : USA

Về Đầu Trang Go down

Trên một chuyến xe.... Empty NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI !.

Bài gửi  Thu Lan Thu Oct 27, 2011 9:49 pm


Chiều nay đi làm về cơm nước xong xuôi, ngồi vào bàn và mở mail ra đọc . Nhận được bài viết “ Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược ” của Từ Uyên , được chuyển tiếp từ một thân hữu . Nội dung như sau :

Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược ?

Con gái của mẹ,

Mẹ biết rằng chả bao giờ con đọc lá thư này cả , thứ nhất là con không đọc được tiếng Việt , mà mẹ lại không thể viết cho con bằng tiếng Anh . Nhưng không hiểu sao có một cái gì nó thôi thúc mẹ là phải viết cho con như được nói chuyện với con trực tiếp .

Ðã lâu lắm rồi nhỉ , từ khi con tốt nghiệp ra trường trung học , hai mẹ con mình không còn được những buổi tối con cặm cụi học bài trong khi mẹ loay hoay với những việc trong nhà mà cả hai mẹ con mình đã suốt ngày bận rộn không dọn dẹp được .

Nhưng khi ấy con còn nhỏ , trong đầu óc mẹ nghĩ thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy mình nhầm . Giáo dục học đường ở bên này , mẹ không hiểu rằng đã tạo cho con thành một người tự lập cho dù con chưa đến tuổi trưởng thành .

Từ bao giờ, mẹ cũng không nhớ nữa , con đã có một thế giới riêng là căn buồng của con . Mà vì bận sinh kế suốt ngày , mẹ cũng ít khi ngó vào căn buồng ấy nên có lần mẹ vào tìm con , mẹ đã hết sức sửng sốt khi thấy sự vô trật tự trong cuộc sống của con . Sách vở lẫn lộn với quần áo trên giường , dưới sàn cùng mọi thứ vật dụng . Trong tủ treo áo quần thì như cả cái kho chứa đồ phế thải .

Phải mất vài phút mẹ mới định thần lại được , bỏ mất gần một buổi chiều để sắp xếp lại cho con .

Buổi tối, con về , mẹ ngồi yên ở phòng khách chờ phút giây con chạy ra ôm lấy mẹ mà cám ơn .

Nhưng thật là một bất ngờ lớn lao mà mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi .

Thay vì cám ơn , con đã tung cửa buồng ra nói khá lớn tiếng :

“mẹ làm mất hết trật tự trong buồng của con , bài vở của con mẹ để đâu hết rồi , mọi khi con vẫn để ở chân giường mà … Con xin mẹ từ nay mẹ đừng làm gì trong buồng của con cả . Con tự lo lấy được mà .”

Rồi con bỏ vào buồng, im lìm suốt buổi tối hôm đó .

Con ơi , con có biết những giờ phút ấy mẹ đã phải trải qua những tâm trạng như thế nào không . Mẹ ân hận vì đã làm con không vui ! Mẹ buồn rầu vì con đã không hiểu cho lòng mẹ . Mẹ cô đơn vì không có ai chia sẻ nỗi buồn với mình . Mẹ lo lắng vì tính nết hoang toàng của con như thế thì khi lấy chồng , người chồng nào chịu cho nổi … Ðêm ấy mẹ đã ngủ trên ghế sa lông để thấm thía nỗi buồn của mẹ mà nào con cũng đâu có hay .

Thế mà cảnh sống ấy cũng qua mau trong sự chịu đựng của mẹ . Bây giờ con ra trường , có công ăn việc làm , con đi về thất thường , có khi bỏ mẹ vò võ chờ con đến cả tuần . Mẹ cũng chẳng dám hỏi con .

Ðến một ngày , hình như mẹ nhớ là ngày Mother’s Day , con mua một bó hoa hồng tươi về ôm lấy mẹ mà chúc mừng mẹ . Buổi chiều hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ . Mẹ cứ đi ra đi vào lóng ngóng chờ con mở cửa buồng để hỏi xem con thích ăn món gì mẹ sẽ nấu . Nhưng tối đến con đã chải chuốt mở cửa buồng đi ra mời mẹ đi ăn tiệm . Lại một hạnh phúc bất ngờ khác đến . Mẹ như được bơi lội trong hạnh phúc đến độ không thay nổi bộ quần áo đẹp để đi với con .

Sau bữa ăn thịnh soạn với cá 8 món , con đã thản nhiên nói với mẹ rằng :

“ Mẹ ơi bây giờ con phải đi làm việc suốt ngày mà mẹ thì già rồi , ở nhà một mình không có ai chăm sóc nên con đã xin cho mẹ được vào sống ở khu người già , có người trông nom hằng ngày . Mẹ không phải lo gì cả .

Ðến bữa có người dọn cho ăn . Ðau ốm có y tá săn sóc . Cuối tuần con sẽ về thăm mẹ , mẹ nhé .”

Bể hạnh phúc đã vỡ tan . Những bong bóng hạnh phúc chỉ còn ảo mờ như những bọt xà bông trong chậu tắm . Nó đã phản chiếu muôn mầu và vỡ ngay sau đó .

Trong lòng mẹ chợt văngvẳng nghe lại được câu nói của bà ngoại ngày xưa đã nói với mẹ :
“ Nước mắt chảy xuôi , con ạ. ” .. ( Từ Uyên . )


Đọc xong bài viết nầy, chúng tôi cảm nhận một sự xót xa trong lòng của một người mẹ đơn độc ngay từ những ngày đứa con gái mình vừa tròn “tuổi vị thành niên” và tiếp tục trải dài , mãi cho đến những ngày tuổi già , sức yếu...

1. Câu chuyện được nêu ra trong phần đầu lá thư của người mẹ, dường như khá quen thuộc . Không phải chỉ quen thuộc đối với chúng tôi mà còn cho cả nhiều gia đình khác, hiện đang định cư tại các nước phương Tây !?

Tại sao lại như thế ?

Phải chăng :

- Nền giáo dục phương Tây đã truyền dạy cho con em chúng ta cái tư tưởng “tự lập” quá sớm, khiến cho chúng phải xa rời những sinh hoạt chung của gia đình như vậy ư !?

- Nền giáo dục phương Tây đã không chịu dạy cho con cái chúng ta nên biết thế nào là sự trật tự, ngăn nắp hay sao !?

- Nền giáo dục phương Tây đã không chịu dạy cho con cái chúng ta cần biết ơn những giúp đỡ của cha mẹ , người đã lo lắng, tốn nhiều công sức dọn dẹp phòng ốc của chúng cho được ngăn nắp , trật tự hay sao !?

Vâng , có lẽ cũng đúng như vậy !?

Chúng tôi nhớ lại lúc con gái chúng tôi còn đang theo học những năm đầu trung học . Nhà trường có mời một vị bác sĩ tâm lý khá nổi tiếng tại Sydney để nói về đề tài “Teenagers” dành cho các bậc phụ huynh có con em trong lứa tuổi nầy .

Trong buổi thuyết trình , câu chuyện đầu tiên của bức thư trên đây cũng đã được nhắc đến và có nhiều câu hỏi từ những bậc phụ huynh (nhiều nhất là những bà mẹ đủ mọi sắc dân) , đưa ra :

- Hỏi : Chúng ta (cha mẹ) phải làm gì với một cái phòng của chúng, trông có vẻ vô trật tự & thiếu ngăn nắp như thế !?

- Đáp : Cứ việc để yên như vậy đi , coi như mình không thấy, không biết gì cả .

- Hỏi : Vô lý lại phải để một cái phòng như thế . Nếu có bạn bè chúng tôi đến thăm thì coi sao được ?

- Đáp : Chỉ việc đóng cửa phòng của chúng rồi khóa lại . Đừng dẫn bạn mình vào căn phòng đó thì chẳng có gì để phải bận tâm.

- Hỏi : Vài năm trước đây chúng thường theo cha mẹ mua sắm , thường dành nhiều thì giờ sinh hoạt chung với gia đình , ngay cả cùng làm bài tập chung với nhau nữa . Thế mà bây giờ chúng không còn muốn gần gũi với cha mẹ , lúc nào cũng ở trong phòng riêng và đóng kín cửa . Tại sao lại như vậy ?

- Đáp : Vì chúng đang cần một khoảng không gian riêng lẻ. Hãy tôn trọng sự riêng lẻ nầy.

- Hỏi : Tại sao phải như thế ?

- Đáp : Có nhiều thay đổi về sự phát triển thể chất , tinh thần cũng như những thay đổi kích thích tố trong độ tuổi mới lớn. Thêm nữa , những băn khoăn về cái ngưỡng cửa mà chúng đang bước vào , đó là " ngưỡng cửa sắp được làm người lớn " .


- Hỏi : Xin nói một cách cụ thể hơn ?

- Đáp : Trong độ tuổi dậy thì , giới tính phát triển rõ rệt , đồng bộ với những đổi thay về những kích thích tố trong cơ thể .. dẫn đến những thay đổi về mặt tinh thần.
Cách cư xử , ứng phó với những người chung quanh cũng thay đổi nhanh chóng . Chính bản thân của chúng cũng không nhận ra và kềm hãm lại được những thay đổi ấy .

Chúng trở nên khá ồn ào , thích mở nhạc lớn hơn , dễ nóng giận cho dù lý do chẳng có gì đáng phải như vậy .

Và quan trọng nhất là tính “phản kháng” , luôn làm ngược lại những gì mà cha mẹ hay ai khác yêu cầu hay đề nghi.

- Hỏi : Thế thì các bậc phụ huynh cần phải làm gì ?

- Đáp : Cần phải thật sự hiểu được những thay đổi nhanh chóng ấy nơi chúng . Hiểu được rồi thì chúng ta mới chấp nhận được nó.

- Hỏi : Nếu gặp trường hợp có sự bùng nổ do nóng giận dẫn đến sự cãi vã to tiếng thì cha mẹ phải làm gì ?

- Đáp : Tìm một ly nước lạnh mà uống rồi hãy im lặng lánh đi !

- Hỏi : Có nghĩa là mình chấp nhận phần lỗi về mình hay sao ?

- Đáp : Không , chẳng ai có lỗi cả . Nhưng cha mẹ là người phải chịu “nhịn” trước . Rồi chúng sẽ hiểu ai đúng ai sai , nhưng chúng sẽ không bao giờ nói ra . Vì đang ở độ tuổi "phản kháng" mà !?

- Hỏi : Vô lý , lần nào mình cũng phải nhịn thì chúng sẽ “được đằng chân lân đằng đầu” sao ?

- Đáp : Một cuộc cải vã mà không có người nhịn thì cuộc cãi vã đó sẽ kéo dài vô tận . Hoặc là sẽ kết thúc bằng những hậu quả khó lường .
Cha mẹ là người đã trưởng thành và hiểu biết hơn trẻ con cho nên cha mẹ chính là người phải chịu “ nhịn ” trước.
Con mình mà nhịn không được thì làm sao rèn được tính “nhẫn” khi đối diện với người khác , phải không ?

Và còn nhiều câu hỏi nữa đã được nêu ra mà chúng tôi không tài nào nhớ hết ( vì đang ở độ tuổi bắt đầu quên )

Nhưng quý vị cũng nên biết rằng buổi nói chuyện nầy chỉ được dành riêng cho các bậc làm cha mẹ mà không có sự hiện diện của những người con trong độ tuổi mới lớn . Như vậy , không có nghĩa là nhà trường đã dạy cho chúng những điều sai phạm nêu trên .

Nhà trường muốn giúp cho chúng ta , những phụ huynh có con em trong độ tuổi mới lớn nhận chân được những đổi thay nơi chúng . Nhờ thế chúng ta biết được là phải làm gì để “chịu đựng” với những “hậu quả” do sự đổi thay đổi mang lại nơi chúng .

Nếu quý vị không hiểu được, ắt hẳn chúng ta sẽ luôn mang một tâm trạng buồn tủi , trách hờn .. để rồi cái khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mỗi ngày một lớn dần hơn !?

Hiểu biết , chia sẻ và chấp nhận thực tế sẽ giúp cho tinh thần của chúng ta được thoải mái nhiều hơn là chấp nhận chịu đựng để ôm lấy những nỗi buồn, hờn tủi ..


2. Câu chuyện được nêu ra trong phần cuối của bức thư cũng không mấy xa lạ đối với chúng ta . Tuy nhiên , “ bể hạnh phúc ” của người mẹ đáng thương nầy đã vỡ tan là do bởi thiếu sự chuẩn bị .

Người mẹ nầy đã không hình dung hay là nhìn thấy được những thực tế cuộc sống tuổi già phải trải qua , trước khi tuổi già nó đến .

Có lẽ bà luôn nghĩ cuộc sống của đứa con gái sẽ mãi gắn chặt với mình cho đến ngày cuối đời . Đó là một tư tưởng thiếu tính độc lập !

Bởi nghĩ thế cho nên bà đã bị xúc động quá mạnh , khi nghe đứa con gái của mình đề nghị đưa vào sống ở khu người già (hostel) *.

Có lẽ chưa chuẩn bị và hiểu rõ cuộc sống ở hostel như thế nào cho nên bà đã tưởng chừng , con mình không muốn chăm sóc mẹ già .

Phải chăng truyền thống Á đông ngày xưa vẫn còn in đậm trong lối suy nghĩ của những người lớn tuổi Việt Nam !?

Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết Chuẩn Bị Cho Tuổi Già . Nếu sức khỏe của chúng ta vẫn còn tốt , còn có thể thực hiện được những hoạt động cần thiết trong cuộc sống hằng ngày thì mình đâu có cần phải vào Hostel hay Nursing Home như người mẹ nầy đã nói như vậy !?

Phải chăng đây là một trong những bài viết cố tình làm cho đời sống tinh thần của người già hiện ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn !?

Vì qua "bức thư" nầy , chúng ta đoán chừng tuổi của người mẹ không đến nỗi quá già , cũng như sức khỏe yếu kém thì không nghe đề cập đến .

Nếu tuổi chưa già và sức khỏe không yếu thì tại sao đứa con gái lại phải đề nghị để đưa bà vào ở một nơi của người già ?

Nên biết rằng phần lớn con cái ở đây rất cần sự giúp đỡ của cha mẹ , nếu mình chịu chấp nhận hy sinh và sống hòa hợp được với chúng , một cách dễ dàng .

Chăm sóc nhà cửa , nấu ăn , trông coi các cháu .. là những gì chúng luôn cần giúp đỡ . Tại sao chúng lại từ chối sự giúp đỡ nầy !? Nền giáo dục Tây phương thì nương theo sự phát triển tự nhiên về thể chất và tinh thần của con trẻ .

Nền giáo dục Á đông thì dựa trên quyền lực và theo cái khuôn mẫu “ Xưa Bày , Nay Làm ”.
Quan điểm riêng của chúng tôi , không có gì là hoàn thiện . Chúng ta phải biết dung hòa và cầu tiến .. thì cuộc sống chúng ta mới bớt đi phần nào phiền muộn !

Chúng tôi không biết, người mẹ nầy có hiểu được rằng xã hội Việt Nam ngày nay cũng đã đổi thay rất nhiều và rất nhanh hay chăng !?

Nhớ lại câu chuyện được đưa lên mổ xẻ trên báo điện tử cách đây vài năm đã gây xôn xao dư luận rất nhiều . Câu chuyện của một cô dâu Việt Nam thời đại , bị kết án là quá “coi trọng đồng tiền” cho nên đã không chịu đóng cửa cái công ty đang hoạt động mạnh để ở nhà cùng mẹ chồng và họ hàng lo nấu nướng mà cúng giỗ bố chồng , như mọi năm . Cho dù ngày hôm đó cô dâu đã thưa trước với mẹ chồng biết rằng , cô đã đặt sẵn những thức cúng từ một nhà hàng sang trọng , sẽ được giao tận nhà . Và cô sẽ trở về đúng giờ để kịp thắp nén hương cúng bố như đã được định sẵn , giống mọi năm .

Ấy vậy mà bà mẹ và một số người của họ bên chồng vẫn còn phiền trách và cho rằng cô dâu thời đại đã thiếu bổn phận , trách nhiệm vì chỉ biết coi trọng đồng tiền ( lúc đó thì chồng cô thì đang bận công tác phương xa nhưng không nghe một ai kết án anh cả !? )

Phải chăng người lớn đã không hiểu được hoàn cảnh , những khó khăn trong cuộc sống .. cho nên đã quá khắc khe với con mình hay không !?

Sự thật thì Hostel rất khác xa với Nursing Home . Tại Úc , muốn vào ở trong Hostel thì điều kiện sức khỏe phải có là còn tương đối tốt . Còn đi đứng và sinh hoạt cá nhân một cách độc lập mà không cần một trợ giúp nào cả . Hostel sẽ cung cấp mọi dịch vụ chăm sóc y tế , ăn uống ( tại canteen ) , những sinh hoạt văn nghệ hàng tuần , những buổi du ngoạn tập thể .. một phần được tài trợ bởi chính phủ .

Tuy nhiên , muốn được vào ở trong một hostel như vậy thì phải hội đủ điều kiện tài chánh . Muốn vào ở một cái Hostel loại sang thì cần phải mua một cái unit trong đó ( dành cho độc thân hay là còn đủ cặp ) . Thường phải mua trước , nếu chưa muốn vào ở thì có thể cho thuê . Nếu không mua được trước thì lúc mình cần vào ở thì có thể không còn chỗ trống nữa . Đến khi qua đời thì các con sẽ bán lại để thu hồi vốn . Hoặc là có thể tiếp tục cho thuê để giữ chỗ sau nầy . Đây cũng là một hình thức đầu tư vì bất động sản luôn lên giá .

Vào Hostel ở , người già sẽ cảm thấy vui hơn nhiều (nếu không trở ngại về ngôn ngữ ) . Vì nơi ấy có đông người ở cùng độ tuổi để trò chuyện , có nhiều sinh hoạt lành mạnh cũng như được chăm sóc chu đáo về các mặt y tế , tinh thần , ẩm thực thích hợp theo từng cá nhân .

Và mỗi cuối tuần , các con thường vào hostel để thăm hoặc là chở về nhà để được sum họp cùng với đàn con , đàn cháu .
Sự vui vẻ chấp nhận của chúng ta sẽ giúp các con an tâm lo cho cuộc sống của chúng và khoảng cách tình cảm giữa cha mẹ và các con sẽ gần hơn .

Chúng tôi không thể quên một câu chuyện vui vui được nghe kể lại , vào dịp đến thăm một Hostel tại Canbera (Thủ Phủ của Australia) . Câu chuyện của một vợ chồng già làm chủ và cư ngụ tại một căn phòng gần với một bà cụ láng giềng .

Một hôm bà cụ nầy nổi lửa đốt phòng bởi vì bà khám phá ra là ông cụ thường len lén qua phòng bên cạnh để tâm sự với bà hàng xóm . Có lẽ vì tức giận quá nên bà đã dùng những lời lẽ hăm dọa lung tung cho nên bà đang bị mang ra tòa xét xử với nhiều tội danh . Quý vị có đoán biết là các cụ nầy đã bao nhiêu cái xuân xanh hay không ?
Xin thưa , ai cũng đều ở trong độ tuổi xấp xỉ 90 . Đúng là chuyện tình yêu , chuyện ghen tương không phân biệt tuổi tác chút nào cả !?

Quay lại câu chuyện của người mẹ trong bức thư , chúng tôi thiển nghĩ là , người mẹ nầy chưa hiểu hết về những thực tế của cuộc sống tại đây , cũng như luôn có định kiến không tốt về con mình . Thế rồi không chịu “ chấp nhận ” một cuộc sống vui vẻ của tuổi già , như những người Tây phương luôn có cái tư tưởng độc lâp , không lệ thuộc và biết hy sinh cho con cháu mình .

Đã biết là “ nước mắt chảy xuôi ” thì cũng đừng nên phiền muộn như thế !?

Mùa đông Sydney 2011
Đinh Tấn Khương .

Thu Lan
Thu Lan
74KTGD
74KTGD

Tổng số bài gửi : 193
Join date : 08/06/2011
Đến từ : Germany

Về Đầu Trang Go down

Trên một chuyến xe.... Empty Re: Trên một chuyến xe....

Bài gửi  ThuHaNgo Fri Oct 28, 2011 6:38 pm

Chia sẽ cùng bài của anh 6hau6 và chị Thu Lan về cuộc sống hàng ngày ở nước ngoài, Hà cũng có một trong những câu chuyện của bản thân mà mình phải tự học để thích nghi với cuộc sống tại đây. Mình có một cô cháu gái qua đây lúc cháu 8 tuổi, nay thì cô bé đã đến tuổi 23, cái tuổi bên Mỹ là coi như được độc lập, bắt đầu biết lái xe theo bạn bè và cũng đồng nghĩa là có ảnh hưởng của bạn bè. Cái ảnh hưởng có 2 yếu tố tốt và xấu tùy theo may mắn của mình mà được cái nào. Tất nhiên trường hợp này là mê chơi nhiều hơn mê học. Mặc dù nhiều cách khuyên bảo: la mắng, dịu ngọt và không roi vọt. Muốn phụ mẹ cháu để khuyên bảo cháu thêm vì mẹ cháu có hỏi ý kiến, nhưng mà điều kiện cuộc sống ở đây không dễ gì gặp nhau, dùng điện thoại cũng khó nói lâu được với cháu.
Mình hỏi ý kiến con trai mình: " Hay là mẹ viết một lá thư khuyên em nhe con?"
Con trai trả lời:" Mẹ tính viết bằng tiếng gì?"
Chựng lại rồi trả lời:" Tất nhiên muốn viết diễn tả hết ý nghĩa mẹ chỉ biết viết bằng tiếng Việt thôi!"
_" Mẹ nghĩ nó hiểu hết không? Vì nó qua đây từ nhỏ, nói tiếng Việt chưa chắc nó hiểu hết ý nghĩa chứ nói chi đọc một lá thư bằng tiếng Việt! mà mẹ cũng đừng la nó vì như thế nó sẽ biến luôn không dám gặp mẹ."
Thế là bậc phụ hyunh bên VN còn" có giá " hơn bên Mỹ, con cái còn "nể sợ" hơn nhiều. Tính ra cái lứa tuổi của tụi mình là còn biết nể sợ cha mẹ, còn ở nước ngoài chỉ có "You" và "I" thì sao nhỉ? Tập "nhịn" vậy!!!!!
ThuHaNgo
ThuHaNgo
73KNH
73KNH

Tổng số bài gửi : 61
Join date : 15/07/2011

Về Đầu Trang Go down

Trên một chuyến xe.... Empty Re: Trên một chuyến xe....

Bài gửi  thanh huyen Sat Oct 29, 2011 1:18 am

Theo tôi thì : mỗi xứ sở,mỗi dân tộc đều có nền văn hoá riêng,phương Đông và phương Tây cũng vậy.
Bài viết trên có thể gây được sự đồng cảm với những người đã thấm nhuần văn hoá tập tục VN nhưng sẽ không tìm được sự chia sẽ với những người sống ở phương Tây (bài viết mà TL đưa lên đã chứng minh).
Vậy thì vấn đề đặt ra là gì?
Người xưa có nói:"Nhập giang tuỳ khúc,nhập gia tuỳ tục"
Khi bạn sống ở một nơi nào đó thì bạn phải chấp nhận những tập quán văn hoá ở nơi đó thì mới có được hạnh phúc còn bằng không thì cứ phải đau khổ một mình mà thôi vì chung quanh bạn sẽ không ai chia sẽ cùng bạn những điều mà nếp sống của họ không hề chấp nhận!
thanh huyen
thanh huyen
69KNS
69KNS

Tổng số bài gửi : 705
Join date : 10/06/2011

Về Đầu Trang Go down

Trên một chuyến xe.... Empty Cha ,con và chú chim sẻ ...

Bài gửi  Thu Lan Mon Oct 31, 2011 9:40 am

Thu Lan
Thu Lan
74KTGD
74KTGD

Tổng số bài gửi : 193
Join date : 08/06/2011
Đến từ : Germany

Về Đầu Trang Go down

Trên một chuyến xe.... Empty Re: Trên một chuyến xe....

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết