GĐ VĐKMCN Hải Ngoại & Thân hữu Khắp nơi
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nghề phụ chợ......Lê Giang

Go down

Nghề phụ chợ......Lê Giang Empty Nghề phụ chợ......Lê Giang

Bài gửi  6hau6 Wed Sep 19, 2012 5:15 pm

Bà Năm vừa suy ngẫm một sự việc ngồ ngộ ở mấy chợ bà thưòng đi. Đó là những người đàn ông rất đàn ông cỡ tuổi U trên dưới năm mươi: khỏe mạnh, to con, ria mép, tóc ma-nin-cua, áo thun sọc (không có in chữ), quần soóc quá gối có nhiều túi đựng các loại tiền. Các anh chàng lúc nào cũng có vẻ đầy nhựa sống, lịch sự với người khi giáp mặt, ngọt ngào trìu mến khi hẹn gặp lại… Và, đặc biệt có kiểu cười cởi mở chào buổi sáng như muốn được làm vừa long những bà, những cô, những em gái và cả các quý cụ ông thỉnh thoảng muốn tự mình ra chợ mua chút gì đó mà hồi trẻ ông thích ăn ở chiến trường như dưa mốp, cỏ hẹ, rau tập tàng… Điều hấp dẫn gây yên tâm là họ đều có vợ bên cạnh. Ui chu choa! Giữa chợ đông mà sao các ông chồng tài ba đến vậy, khiến các chị vợ lúc nào cũng nhẹ nhàng, dịu dàng, mắt liếc đong đưa, miệng dẻo quẹo mời chào!

Trong niềm vui còn rơi rớt lại tuổi già của bà Năm là đi chợ và cái bếp có mấy xoong chảo nho nhỏ đặng ngày ngày bà gởi tấc lòng. Sáng nào mà bà dọn dẹp trống trơn cái bàn viết ngổn ngang thế sự nhưng đầy hứa hẹn, có thể thu về hai trăm, năm trăm hay hơn nữa… Bà lấy cây kẻ chân mày và thỏi son của cháu gái bà cho, bà kẻ lại hai cái chân mày, tô hồng hồng cái môi trái tim, mang kiếng mát gọng vàng Ý, tươm tất với bộ đồ “đặc trưng” bà già Nam Bộ. Bà xoa tay vui: Đi “giải tỏa” đây! Lâu rồi, bà không được học tập hội họp, bà được miễn sự ngó tới của cơ quan, cho nên cái áo nào diện nhứt bà dành cho dì Tám hàng bông ở xã Phú Cường, Thủ Dầu Một, dì Tám luôn có những bó khoai toàn ngó nấu lên thơm nứt mũi. Bà dành cái áo màu tím than, cái áo mousselin thêu bông sứ trắng cho nhỏ bán củ hành, cho chị Hai Hóc Môn bán khoai mỡ tím. Chà! Cái màu tím mới tự nhiên tím như bông lá cẩm. Bà chẳng thấy mệt mỏi gì, bao nhiêu nét bơ phờ viết lách khi bắt gặp ở nhà lúc soi kiếng tiêu tan hết, khi bà nghe các chú em giữa chợ búa đang tay bằng miệng miệng bằng tay chào:

- Má, hôm nay má ăn gì, có đậu ván, củ sen, tiêu xanh mới au, hay là… Trời! Hôm nay má mặc áo nhứt chợ!
- Xạo mày, bán không lo bán, lo tán bà già. Bà Năm làm bộ rầy chớ bả khoái trong bụng lắm. Bả cần lời khen và mời mọc kiểu khéo nói mà thiệt tình.

Bả đi lên rồi đi xuống, đầu chợ rồi cuối chợ. Hai bên chào đón bà niềm nở quá: - Đầu cá mè cái mang còn thở đỏ tươi, má mua đi, con biếu cho ba luôn mấy bộ lòng, món này là món hẩu xực của con, tặng ba luôn! - Má mua đi, tôm đồng mềm vỏ trong khe, không phải tôm nuôi trong vuông đâu má lo.- Cá lóc ruộng, lươn Cà Mau… Bà Năm mua tôm cá rau cải, thư giãn vui đùa với mấy thằng cỡ tuổi con trai bà: Má đưa con xách ra xe, má để con, má để con!!

Nghe bước chân mình sao phơi phới, bà đâu có ăn cao lương mỹ vị mà sợ hụt tiền. Rau cải thịt cá tươi rói, phóng rầm rầm, búng lách chách. Urê hàn the cái nỗi gì? Mình còn hơn vợ nguyên thủ quốc gia, mấy phu nhân làm gì có quê hương tươi rói “bồng súng” chào! Bà cười giọng trìu mến.
_Ráng phụ vợ buôn bán cho đàng hoàng, đừng làm mày làm mặt tử tế nơi đông người, về nhà thượng cẳng chân hạ cùi tay ăn hiếp vợ, không được đa!
- Bộ gió con vầy má chưa bằng lòng sao mà má còn hăm he!?
Ra cổng chợ đem theo một niềm vui kỳ cục vui, vừa có thức ăn xịn của đồng quê, nào cá bống trứng chưa kho đã dậy mùi sả ớt, nào rau dền cơm, rau sam chưa luộc đã nghe chất sắt trong rau tỏa khói mờ mờ khung cửa… lại được mấy đứa con trai ra chợ phụ vợ buôn bán sao mà dễ thương quá. Chúng luôn nghịch ngợm đùa giỡn với bà già vừa đỡ đần vợ vừa tán phét cười cười muốn xỉu. Có bà đầm đi chợ từ hồi giải phóng tới giờ. Anh chàng bán ốc giới thiệu với bà đầm: Đây là nhà thơ, rồi chỉ lên trời, chỉ nước trong thau rọng cá, chỉ cô gái ôm hoa sống đời đi bán dạo để minh họa. Bà đầm tỏ vẻ xúc động và ngạc nhiên: Ôi, “nhà thơ” hả? Tội nghiệp quá, tội nghiệp quá!

Tội nghiệp thật! Thế giới của bà Năm bây giờ là cái chợ ngày xưa má của bà thường đi, nghe má nói là chợ nhà giàu, nhưng, chợ nào bây giờ cũng tiền nào của nấy, cá nước tự nhiên, rau cải trời xanh thì xanh lặt lìa li ti lí tí. Thứ nào do “người sanh” có ướp hàn the urê, lấy huyết heo nhuộm lên mang cá thì… nhà nghèo con đông, quán xá đầy đường, cơ nhỡ tầng tầng lớp lớp, ngộ độc thực phẩm rần rần… thì trưa trưa chợ cũng sạch bóng. Tội nghiệp cái “nhà thờ” này thật, nhưng bà Năm giờ chỉ
còn niềm vui một tuần hai lần dọn dẹp cái bàn viết “Biết ai là dại biết ai khôn”, xoa tay hồ hởi đếm tiền rồi xăm xăm đi thư giãn mà - chẳng - có - gì - đáng - tội - nghiệp:
- Tặng má cái túi đựng đồ ăn có sọc xanh da trời, màu áo của cầu thủ Argentina nè má!
- À, hôm nay có củ sen ngon nè bà già!
- Bà ngoại bộ ngán mít non rồi hả, ngoại đi qua đi lại hoài mà hổng ghé con!
- Bắt cho má hai con cá mè dinh, làm sạch khứa mịn, kẻo má mắc xương! (Một anh chàng râu mép, mang giày bốt lịnh cho vợ mà không cần hỏi bà có mua hay không?)
Bà Năm ra chợ nghe lời mời mọc tử tế riết quen nên tủ lạnh bắt đầu trống trải buồn hiu là bà nhớ chợ quá, bà nhớ thằng phụ vợ mê đội bóng Argentina, nên mua bọc nilông bán thịt màu áo Argentina, bà nhớ thằng râu ria rậm rạp mang giầy bốt ngồi mần cá không hở tay. Bà nhớ từng thằng chồng và mấy con vợ nói tiếng Nam Bộ rặt ròng, hiền khô, nhớ hai vợ chồng “Bắc kỳ lai” gọi bà bằng U, mới về Hải Dương cưới dâu, con dâu ngồi bán cá với mẹ chồng cũng luôn miệng xướng lên cá trê vàng, cá sặt bổi Cà Mau, lươn vàng U Minh… Bà nhớ em bán gạo cứ giới thiệu hoài - Chồng em nè chị!

Bà xác nhận cái chợ mà bà quen, bà đã trút hết lương hưu của hai vợ chồng già hằng tháng là cuộc tham quan đầy hấp dẫn còn lại trong đời bà. Bà nghĩ ngày nào bà không còn léo hánh ra chợ để mua ăn, để nhận lấy sự niềm nở, để lũ cháu của bà xuýt xoa món cá bống trứng kho quẹt sả ớt, món đầu cá mè nấu ngót với thì là… chắc là chấm hết! Chấm hết một niềm vui đầy nhân ái của kẻ bán người mua, chấm hết những niềm vui khi gặp những thằng chồng có nghề phụ vợ bán buôn ngoài chợ. Chấm hết những bữa cơm ngon lành tinh khiết vừa ăn vừa kể chuyện ngoài chợ cho trong nhà nghe. Vừa ăn vừa suy nghĩ không biết vợ chồng bán cá nọ, vợ chồng bán thịt kia nó học ở đâu ra cách cư xử tình người mua bán ấy - mà vợ chồng nào cũng khoe có con vô đại học, có con mần phiên dịch, có con… có con!! Có con nên phải đón hàng từ chợ cá đầu mối mưa dầm gió bấc tới đầu bờ rẫy bái sương lạnh thấu xương. Bà Năm vui nọ lại buồn kia, xởi lởi cái này lại bang khuâng cái nọ, bà hổng chịu đơn giản cuộc đời. Bà nói cuộc đời đơn giản quá làm mất cả hứng thú sống.

Bà lại dọn giấy viết ra “Có rằng không, không có cũng ừ”, lại dọn giấy viết vô, xoa tay đếm tiền đi gặp mấy thằng có nghề phụ vợ ngoài chợ, nhận ở nó chút lời ăn tiếng nói khéo léo mà thật tình để có tiền lo cho con. Để… còn lo bữa ăn cho mấy bà già đẻ nó ngang hông, từng tuổi này còn xách giỏ đi chợ.
_Lê Giang.
6hau6
6hau6
71CKO
71CKO

Tổng số bài gửi : 296
Join date : 10/06/2011
Đến từ : USA

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết